Sổ đỏ được đứng tên mấy người? Đây là một thông tin cơ bản về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng biết được câu trả lời cho câu hỏi trên. Vì thế nên bài viết dưới đây của NT International Law Firm sẽ giúp các bạn nắm rõ hơn về vấn đề này nhé.

Sổ đỏ được đứng tên mấy người? 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Đất đai 2013 quy định, thửa đất có nhiều người chung quyền sử sử dụng đất hoặc nhiều người sở hữu chung nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải ghi đầy đủ tên có những người có chung quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy Chứng nhận, trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Như vậy, số lượng người đứng tên Giấy chứng nhận là không có giới hạn nếu họ có chung quyền.

Các trường hợp đứng tên chung Giấy chứng nhận 

Trường hợp mua chung hoặc được tặng cho, chuyển nhượng chung

Quyền hạn của các bên đứng tên chung sẽ như nhau và mọi quyết định nhà đất, tài sản trên đất đều cần được các bên đồng ý. Nếu các bên đứng tên chung có nhu cầu cấp riêng sổ đỏ thì mỗi người được cấp 01 sổ đỏ đứng tên mình. Nếu các bên có nhu cầu cấp sổ đỏ chung thì sẽ được cấp 01 giấy chứng nhận và giao cho người đại diện.

Trường hợp đứng tên chung là vợ chồng hợp pháp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định thì phải đăng ký quyền sở hữu và sử dụng. Vậy nên Giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Sang Tên Sổ Đỏ Cho Con

Cách ghi tên nhiều người trong sổ đỏ

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT trường hợp có nhiều người cùng đứng tên thì được ghi như sau:

“Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.

Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này; tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:… (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)”.

Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi “và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này”; đồng thời tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận được ghi: “Những người khác cùng sử dụng đất (hoặc cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:… (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn lại)”.

Xem thêm: Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Hết Hạn Phải Xử Lý Thế Nào?

Một người được đứng tên mấy sổ đỏ 

Một người được đứng tên trên 02 sổ đỏ trở lên không thuộc điều cấm của Luật Đất Đai năm 2013. Tuy nhiên, việc đứng tên trên nhiều sổ đỏ chỉ được áp dụng với người gốc Việt, người có quốc tịch Việt Nam và đang định cư trong nước mới có quyền đứng tên 1 mình trên 2 sổ đỏ trở lên.

Trường hợp người nước ngoài:

  • Người nước ngoài bị giới hạn chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại; trường hợp người nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở khác thì họ chỉ được chọn sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, đối với loại nhà ở khác thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
  • Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Căn cứ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Đất đai 2013 thì quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cụ thể bao gồm các đối tượng sau đây được phép đứng tên sổ đỏ:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

  1. a) Người có quốc tịch Việt Nam;
  2. b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2.Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Như vậy, để một người được đứng tên trên nhiều sổ đỏ thì phải đáp ứng điều kiện, người đó có quốc tịch Việt Nam và đồng thời đang cư trú tại Việt Nam.

Liên hệ ngay với luật sư đất đai của NT International Law Firm để được tư vấn chi tiết nhất tình huống mà bạn đang gặp phải.

Rate this post

“Nội dung bài viết dẫn chiếu quy định pháp luật tại thời điểm viết bài và mang tính chất tham khảo, để có thông tin chính xác vui lòng liên hệ luật sư tư vấn.”

NT INTERNATIONAL LAW FIRM