Mục lục bài viết
Nếu bạn đang có ý định mở một công ty để thực hiện các hoạt động kinh doanh nhưng vẫn còn đang thắc mắc vốn tối thiểu thành lập công ty là bao nhiêu thì hãy theo dõi ngay bài viết sau đây. NT International Law Firm sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc liên quan đến vốn tối thiểu thành lập công ty.
Vốn tối thiểu thành lập công ty là bao nhiêu?
Vốn tối thiểu thành lập công ty sẽ tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký, cụ thể như sau:
- Nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường và không yêu cầu vốn pháp định thì pháp luật hiện nay không có quy định nào về mức vốn tối thiểu để thành lập công ty.
- Thực tế đã có một số doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ công ty là 2 triệu đồng. Mặc dù điều này hoàn toàn tuân theo quy định pháp luật nhưng khi thực hiện giao dịch, làm việc với đối tác, cơ quan ngân hàng và thuế thường sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục và tạo niềm tin. Vì vậy, để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh, việc đăng ký mức vốn điều lệ cần được xem xét và điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế.
- Trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì mức vốn tối thiểu cần thiết để thành lập công ty sẽ phải tuân theo quy định của ngành nghề kinh doanh đó. Bạn có thể tham khảo thông tin tại “Danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh tại Việt Nam theo quy định”.
Những loại vốn thành lập công ty
Để biết được thành lập công ty cần bao nhiêu vốn, bạn cần tìm hiểu thông tin về các loại vốn thành lập công ty sau đây.
Vốn điều lệ thành lập công ty
Vốn điều lệ của công ty là tổng số vốn mà các thành viên/cổ đông đã góp hoặc cam kết góp trong một khoảng thời gian cụ thể và được ghi rõ trong điều lệ của công ty. Sau đó, công ty phải đăng ký số lượng vốn này với sở kế hoạch và đầu tư để phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình. Vốn điều lệ là một khoản vốn có tính linh hoạt, doanh nghiệp có quyền tự do quyết định và không bị ràng buộc bởi quy định pháp luật. Người góp vốn sẽ chịu trách nhiệm đối với số vốn mà họ đã cam kết góp. Pháp luật không đặt ra bất kỳ yêu cầu nào về mức tối thiểu hoặc tối đa của vốn điều lệ khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh thông thường.
Ví dụ: Khi tìm hiểu về việc thành lập công ty cổ phần và xác định các yếu tố cần thiết, bạn cần tính toán tổng chi phí hoạt động của công ty, bao gồm các phí phát sinh. Dự kiến, tổng chi phí này sẽ là khoảng 3 tỷ đồng và nguồn vốn mở rộng hoạt động là khoảng 1,2 tỷ đồng. Do đó, bạn có thể đăng ký mức vốn điều lệ xấp xỉ 4,2 tỷ đồng để đảm bảo phù hợp với kế hoạch kinh doanh của công ty.
Vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp
Vốn pháp định của một công ty được hiểu là mức tối thiểu vốn mà doanh nghiệp phải có đủ theo quy định của pháp luật để được phép hoạt động trong các ngành kinh doanh yêu cầu vốn cụ thể. Nói cách khác, khi một doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong một ngành nằm trong danh sách các ngành kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ số vốn theo quy định của từng ngành nghề để được phép hoạt động.
Vốn pháp định cũng là số tiền tối thiểu mà công ty phải có để được thành lập theo quy định của chính phủ. Mức vốn này sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, có điều kiện hay không có điều kiện và được quy định cụ thể tại Khoản 3 của Nghị định số 153/2007/NĐ-CP. Hiểu một cách đơn giản, vốn pháp định là mức vốn bắt buộc để đăng ký hoạt động kinh doanh trong các ngành có điều kiện.
Ví dụ: Để kinh doanh dịch vụ bảo vệ, doanh nghiệp cần phải có ít nhất 2 tỷ đồng vốn pháp định mới được đăng ký. Nếu bạn chỉ có 1,5 tỷ đồng, bạn sẽ không thể đăng ký kinh doanh trong ngành này.
Quy trình đăng ký ngành nghề kinh doanh chia thành hai loại: ngành nghề kinh doanh không có điều kiện (ngành nghề bình thường) và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, ngành nghề kinh doanh có điều kiện được chia thành hai loại sau:
- Ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.
- Ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề.
Để đăng ký kinh doanh trong ngành nghề có điều kiện yêu cầu vốn pháp định, doanh nghiệp phải đảm bảo rằng họ có số vốn pháp định cụ thể (tối thiểu) được quy định cho từng ngành nghề cụ thể.
Ví dụ: Một số ngành kinh doanh có điều kiện yêu cầu vốn pháp định như: dịch vụ bảo vệ, đòi nợ (ít nhất 2 tỷ đồng), kinh doanh Bất động sản (ít nhất 20 tỷ đồng).
Vốn ký quỹ để làm làm thủ tục thành lập công ty
Vốn ký quỹ để làm làm thủ tục thành lập công ty là số vốn mà doanh nghiệp cần phải đặt một khoản tiền ký quỹ thực tế trong tài khoản ngân hàng để đảm bảo hoạt động ổn định của công ty.
Ví dụ, khi bạn thành lập một công ty TNHH để kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, yêu cầu ký quỹ là 250 triệu đồng cho lữ hành quốc tế inbound và 500 triệu đồng cho lữ hành quốc tế outbound. Trong khi đó, đối với các dịch vụ bảo vệ và đòi nợ thuê, bạn cần phải ký quỹ với số tiền là 2 tỷ đồng.
Vốn góp nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp
Vốn góp nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp là phần vốn đầu tư có tỷ lệ xác định góp vào công ty tại Việt Nam hoặc được sử dụng toàn bộ vốn để thành lập công ty với 100% vốn từ nước ngoài. Loại vốn này chỉ áp dụng cho các công ty, doanh nghiệp liên quan đến nước ngoài.
Lưu ý: Số lượng vốn góp nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp sẽ có tác động trực tiếp đến việc đóng thuế môn bài sau khi kết thúc quá trình thành lập công ty. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề này để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định thuế.
Quy định về việc góp vốn trong doanh nghiệp
Khi thành lập công ty, việc ký kết hợp đồng góp vốn với các cá nhân hoặc tổ chức là điều rất quan trọng. Những thành viên hoặc cổ đông tham gia góp vốn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự tồn tại, phát triển hoặc giải thể của doanh nghiệp. Hợp tác một cách đồng lòng, cùng quan điểm và lý tưởng giữa các thành viên/cổ đông đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự thành công của công ty và ngược lại. Trước khi hợp tác với cá nhân hoặc tổ chức khác để thành lập công ty, hãy suy nghĩ và xem xét kỹ càng. Quy định về việc góp vốn của cá nhân hoặc tổ chức vào doanh nghiệp được điều chỉnh trong các quy định liên quan tới việc góp vốn.
Có một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp thắc mắc là liệu khi kê khai vốn điều lệ, họ cần phải cung cấp bằng chứng đủ vốn hay không. Luật doanh nghiệp Việt Nam có quy định rằng doanh nghiệp phải đóng góp đủ vốn trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm kê khai. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng và đóng đủ vốn như đã kê khai ban đầu. Mặc dù vậy, việc kê khai số vốn điều lệ là rất quan trọng và cá nhân hoặc tổ chức thành lập công ty phải chấp nhận trách nhiệm giới hạn trong phạm vi số vốn đã kê khai.
Bài viết trên đây của NT International Law Firm đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc liên quan đến vốn tối thiểu thành lập công ty. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình thành lập công ty.
“Nội dung bài viết dẫn chiếu quy định pháp luật tại thời điểm viết bài và mang tính chất tham khảo, để có thông tin chính xác vui lòng liên hệ luật sư tư vấn.”
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT
090.252.4567NT INTERNATIONAL LAW FIRM
- Email: info@congtyluatnt.vn – luatsu.toannguyen@gmail.com
- Phone: 090 252 4567
- Địa chỉ: B23 Khu Dân Cư Nam Long, Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM