Thế chấp tài sản là một bên dùng tài sản để chấp hành, thay thế một nghĩa vụ trước đó. Như vậy, tài sản đang thế chấp có được bán không? Bài viết dưới đây của NT International Law Firm sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật về thế chấp tài sản.

Thế nào là thế chấp tài sản? 

Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do pháp luật quy định mà theo đó, các bên trong quan hệ nghĩa vụ lựa chọn sử dụng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên còn lại.

Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thế chấp như sau:

  • Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
  • Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Như vậy, việc một bên đưa tài sản cho bên kia để đảm bảo nghĩa vụ dân sự như:

  • Thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng,
  • Thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất,…

Bên thế chấp không giao tài sản cho bên nhận thế chấp hoặc là các bên có thể thỏa thuận cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Đối tượng thế chấp tài sản

Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản thế chấp như sau:

Điều 318. Tài sản thế chấp

  • Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
  • Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

đối tượng thế chấp tài sản

Như vậy, tài sản thế chấp có thể là vật, quyền tài sản, giấy tờ có giá, có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, tài sản đang cho thuê hoặc tài sản đang cho mượn.

Nhưng tài sản thế chấp phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp.

Trong quan hệ thế chấp các bên có thể thỏa thuận thế chấp một phần hoặc toàn bộ bất động sản.

Khi bên thế chấp dùng toàn bộ bất động sản để đảm bảo nghĩa vụ thì những vật phụ của bất động sản cũng nằm trong tài sản thế chấp.

Trong trường hợp thế chấp động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ cũng nằm trong tài sản thế chấp trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Tài sản đang thế chấp có được bán không?

Nghĩa vụ của bên thế chấp

Đối với tài sản đang thế chấp, Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

 Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp

  • Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  • Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.
  • Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
  • Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
  • Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
  • Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
  • Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

Quyền của bên thế chấp

Theo khoản 4 và khoản 5 Điều 321 Bộ Luật dân sự 2015

Điều 321. Quyền của bên thế chấp

  • Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

  • Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Theo đó, bên thế chấp không được bán tài sản đang thế chấp theo quy định tại khoản 8 Điều 320 Bộ Luật dân sự 2015, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 Bộ Luật dân sự 2015 được đề cập ở trên.

Hậu quả pháp lý của việc bán tài sản đang thế chấp

Như vậy, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 Bộ Luật dân sự 2015, nếu bên thế chấp vẫn bán tài sản đang thế chấp cho bên thứ ba thì giao dịch này sẽ trở nên vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (Điều 123 Bộ Luật dân sự 2015), hai bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, thậm chí bên thế chấp còn có thể phải bồi thường thiệt hại do làm giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

  • Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
  • Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

  • Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  • Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  • Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Vừa rồi là những thông tin quy định pháp luật về việc tài sản đang thế chấp có được bán không? Hãy liên hệ ngay với NT International Law Firm để được tư vấn chi tiết hơn với trường hợp mà bạn đang gặp phải nhé.

Rate this post

“Nội dung bài viết dẫn chiếu quy định pháp luật tại thời điểm viết bài và mang tính chất tham khảo, để có thông tin chính xác vui lòng liên hệ luật sư tư vấn.”

NT INTERNATIONAL LAW FIRM