Mục lục bài viết
Đất đai là một loại tài sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân nói riêng và cả quốc gia nói chung. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp tranh chấp đất đai xảy ra giữa cá nhân với cá nhân hay giữa cá nhân với 1 cơ quan, tổ chức nào đó nhằm bảo vệ hoặc sở hữu quyền sử dụng đất. Vậy tranh chấp đất đai là gì? Hãy cùng NT INTERNATIONAL LAW FIRM tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tranh chấp đất đai là gì?
Theo Điều 4 Thông tư 14/2012/TT-BTNMT đã quy định, Khái niệm của đất đai là một vùng đất có vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể và có những thuộc tính tương đối ổn định hoặc có thể thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán, có ảnh hưởng tới quá trình sử dụng đất ở hiện tại và trong tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội như: Thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, địa mạo, thủy văn, địa chất, thực vật, động vật cư trú và các hoạt động sản xuất của con người.
Tranh chấp đất đai: Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất giữa 2 hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Đặc điểm và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai
- Nguyên nhân chủ quan là xuất phát từ việc công tác quản lý của nhà nước về đất đai vẫn còn nhiều thiếu sót, không chặt chẽ. Kèm theo đó là sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý đất đai cũng còn nhiều hạn chế, sai phạm, trình độ quản lý của cán bộ tại nhiều địa phương còn non kém. Quy hoạch quản lý đất đai còn lộn xộn, mục đích sử dụng đất không hợp lý, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý đất đai không rõ ràng. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cán bộ còn thiếu sát sao.
- Nguyên nhân khách quan là hiện nay đất đai trở thành tài sản có giá trị cao nên đã tác động đến tâm lý của nhiều người gây ra tình trạng bất chấp để tranh chấp nhằm kiếm lợi ích.
Đặc điểm của tranh chấp đất đai
Quan hệ đất đai là quan hệ dân sự tuy nhiên vì phạm vi và tính đặc thù của nó nên nó trở nên rất đặc biệt. Tranh chấp đất đai mang những đặc điểm đặc trưng như sau:
- Chủ thể của tranh chấp đất đai là chủ thể có quyền sử dụng và quyền quản lý đất bao gồm: Cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức. Quyền sử dụng đất của những chủ thể kể trên được xác lập dựa vào quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc sự cho phép, công nhận chuyển nhượng của Nhà Nước đối với diện tích đất đang sử dụng.
Như vậy, chủ thể của tranh chấp đất đai là các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tham gia với tư cách là người sử dụng hoặc người quản lý đất. Vì thế, tranh chấp chỉ xảy ra khi những chủ thể của tranh chấp đất đai có mâu thuẫn và bị xâm phạm đến quyền lợi về sử dụng và quản lý đất đai. Và các chủ thể có liên quan đến các quyền này mới được đề nghị cơ quan chức năng giải quyết tranh chấp
- Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền sử dụng và quyền quản lý đất đai. Đối tượng mà các chủ thể của tranh chấp hướng tới là quyền được sử dụng và quyền quản lý trên 1 diện tích đất cụ thể và chỉ khi đối tượng của tranh chấp là quyền sử dụng và quyền quản lý đất đai thì mới có thể gọi là tranh chấp đất đai. Nội dung của tranh chấp đất đai rất phức tạp liên quan đến những vấn đề liên quan đến đất đai như diện tích đất, quyền sử dụng, mục đích sử dụng đất và các giao dịch dân sự liên quan.
Trong trường hợp không có tranh chấp giữa các chủ thể liên quan đến thửa đất thì đó là các quan hệ tranh chấp khác. Chẳng hạn, khi có tranh chấp giữa người sử dụng đất và cơ quan có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, thì đó được xem là tranh chấp về khiếu kiện hành chính.
- Nội dung của tranh chấp đất đai rất đa dạng và phức tạp. Đất đai được coi là loại hàng hóa đặc biệt có giá trị kinh tế cao và giá trị của nó thường biến động theo nền kinh tế thị trường. Việc quản lý và sử dụng đất đai không chỉ đơn giản là việc khai thác giá trị sử dụng mà nó còn bao gồm cả giá trị sinh lời của đất. Khi nội dung quản lý và sử dụng đất trở nên đa dạng và phức tạp thì những mâu thuẫn và bất đồng xung quanh việc này cũng trở nên căng thẳng và trầm trọng hơn.
- Tranh chấp đất đai luôn liên quan đến quá trình sử dụng đất của các chủ thể và ảnh hưởng không chỉ đến quyền, lợi ích trực tiếp của các bên tham gia quá trình tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Vì khi có tranh chấp xảy ra, một bên sẽ không thể thực hiện được các quyền của mình, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
- Đất đai có những mục đích sử dụng khác nhau và được phân loại theo mục đích sử dụng và loại đất. Điều này dẫn đến việc tranh chấp về đất đai sẽ bao gồm các bên khác nhau tham gia vào tranh chấp đó. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp đất đai cần phải được thực hiện nhanh chóng, tích cực và chủ động để bảo đảm quyền lợi của các bên, tránh tình trạng kéo dài, có tổ chức và quá đông người tham gia.
Lý do cần phải hiểu rõ tranh chấp đất đai
Việc hiểu rõ tranh chấp đất đai là rất quan trọng, bởi nếu không được quy định cụ thể thì nhiều trường hợp người sử dụng đất sẽ không biết cách bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Ngoài ra, có thể có số ít cơ quan nhà nước áp dụng không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất.
Dưới đây là một số lý do vì sao cần phải hiểu rõ về tranh chấp đất đai:
Giúp người dân biết rõ thủ tục khi giải quyết tranh chấp đất đai
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp về quyền sử dụng đất phải được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất trước khi khởi kiện hoặc đề nghị UBND cấp có thẩm quyền giải quyết (UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết tùy vào từng trường hợp cụ thể).
Nói cách khác, nếu không tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn tại nơi có đất thì người dân sẽ không được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.
Tuy nhiên, những tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, cho thuê lại quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất) hoặc tranh chấp chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, sẽ được khởi kiện trực tiếp tại Tòa án.
Khi bị từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp Sổ đỏ
Theo Khoản 11 Điều 7 của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất thì cơ quan tiếp nhận có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ. Điều này có nghĩa là:
Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận chỉ bị từ chối tiếp nhận hồ sơ khi bên kia đã gửi đơn khởi kiện tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất tại Tòa án hoặc UBND cấp có thẩm quyền và cơ quan này gửi văn bản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Nếu không có đơn khởi kiện thì hồ sơ vẫn sẽ được tiếp nhận và giải quyết theo quy định.
Người muốn ngăn cản người khác được cấp Giấy chứng nhận phải tiến hành gửi đơn khởi kiện cho Tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sau khi thực hiện hòa giải không thành tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Có thể lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp
Nếu có tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nhưng không thành thì theo khoản 1 và 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, có thể lựa chọn hình thức giải quyết sau đây:
- Nếu đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
- Nếu đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013, thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết sau:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền (cấp huyện hoặc cấp tỉnh tùy theo chủ thể tranh chấp).
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền đúng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Xem thêm:
Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai Mua Bán Bằng Giấy Viết Tay
Tranh Chấp Đất Đai Không Có Giấy Tờ Là Gì? Cách Giải Quyết Theo Quy Định Của Pháp Luật
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của các cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền để giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên để tìm ra giải pháp đúng đắn dựa trên cơ sở pháp luật Việt Nam nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tất cả chủ thể trong quan hệ đất đai.
Theo Điều 203 Luật đất đai 2013 đã quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Trong trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không thành thì được tiếp tục giải quyết như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự sở hữu Giấy chứng nhận hoặc có 1 trong những loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất đai thì sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết.
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không sở hữu Giấy chứng nhận hoặc không có 1 trong những loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 203 Luật đất đai 2013; Hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Các trường hợp tranh chấp đất đai
Trên thực tế tranh chấp đất đai nhìn chung được chia thành những trường hợp như sau:
Trường hợp đầu tiên: Tranh chấp đất đai dạng tranh chấp xác định chủ thể có quyền sử dụng đất.
Tranh chấp quyền sử dụng đất bao gồm những tranh chấp giữa các bên với nhau về việc ai có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với mảnh đất, thửa đất nào đó. Đây là những trường hợp liên quan đến việc công nhận ai mới thật sự là người có quyền sử dụng đất trên một diện tích đất đang có tranh chấp. Ví dụ như tranh chấp phần diện tích đất do bị cấp trùng, tranh chấp ranh giới giữa 2 phần đất liền kề mà cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất đai, tranh chấp lối đi, tranh chấp về một mảnh đất hoặc một phần mảnh đất, tài sản gắn liền với đất. Chủ yếu là phân định quyền sử dụng đất thuộc về tổ chức hay cá nhân nào.
Trường hợp thứ hai: Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất. Đó là những tranh chấp liên quan đến các giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất.
Những giao dịch dân sự liên quan quyền sử dụng đất như: Chuyển đổi quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bảo lãnh quyền sử dụng đất. Đây là các tranh chấp về hợp đồng dân sự tuy nhiên đều có liên quan đến vấn đề đất đai là chủ đạo. Nhưng về bản chất nó vẫn là tranh chấp về hợp đồng dân sự.
Trường hợp thứ ba: Tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất.
Các tranh chấp về đất đai trong thừa kế thường xảy ra khi có sự phân chia thừa kế theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu được phân chia di sản thừa kế của những thành viên ở hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp thứ tư: Tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.
Tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thường liên quan đến việc tranh chấp các tài sản được gắn liền với đất như: Nhà ở, cây cối, tường rào, các công trình trên đất được giao. Bản chất của trường hợp này là xác định ai có quyền sử dụng đất và các tài nguyên khác gắn liền với mảnh đất đó.
Có thể bạn quan tâm:
Dịch vụ tư vấn luật đất đai tại NT INTERNATIONAL LAW FIRM
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai
Hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai tại Tòa án gồm có các giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện: Đơn khởi kiện cần được soạn đúng và đầy đủ nội dung theo quy định. Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai được soạn thảo theo mẫu đơn khởi kiện số 23 – DS.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc 1 trong những loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013.
- Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của người khởi kiện (bản sao)
- Sổ hộ khẩu (bản sao)
- Các giấy tờ liên quan khác
Hồ sơ khởi kiện là cơ sở đầu tiên để Tòa án dựa vào để xem xét nội dung vụ việc có được thụ lý giải quyết hay không. Do đó, người nộp đơn cần phải chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng để Toà án thụ lý, hạn chế trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện hoặc bị yêu cầu bổ sung các giấy tờ làm kéo giải thời gian giải quyết.
Trên đây là bài viết của NT INTERNATIONAL LAW FIRM đã chia sẻ các thông tin về tranh chấp đất đai. Hy vọng các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về vấn đề này. Nếu vẫn còn thắc mắc về những vấn đề xoay quanh tranh chấp đất đai, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số hotline: 090.252.4567.
“Nội dung bài viết dẫn chiếu quy định pháp luật tại thời điểm viết bài và mang tính chất tham khảo, để có thông tin chính xác vui lòng liên hệ luật sư tư vấn.”
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT
090.252.4567NT INTERNATIONAL LAW FIRM
- Email: info@congtyluatnt.vn – luatsu.toannguyen@gmail.com
- Phone: 090 252 4567
- Địa chỉ: B23 Khu Dân Cư Nam Long, Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM